Ngoài xôi nếp ngũ sắc, cơm lam, thịt trâu gác bếp, rau sắng, người Thái ở vùng cao còn có một đặc sản dân dã mà ít người biết đến, đó là Mọc rêu (rêu đá).
Những cục rêu đã được làm sạch và đem bán ở chợ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Đã bao giờ bạn nghĩ một thứ “bỏ đi” như rêu lại là một đặc sản không? Bản thân tôi từng nghĩ như vậy cho tới khi đặt chân lên một bản làng của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Đúng như tên gọi của món ăn, Mọc rêu được làm từ rêu, nhưng phải là rêu sạch, rêu mọc ở những mỏm đá nằm giữa dòng nước chảy của con sông, con suối.
Bạn có thể mua cục rêu có giá 5.000 đồng này về tự chế biến thành món Mọc rêu.
Trước tiên phải nói đến công đoạn “trèo đèo lội suối” để đi lấy nguyên liệu. Từ sáng sớm, những người phụ nữ Thái đã phải lội xuống dòng sông Nậm Mộ để lấy rêu. Việc đi lấy rêu chỉ dành cho những người “cứng nước” bởi giữa dòng chảy của con sông, rêu mọc nhiều có thế khiến bạn trượt chân.
Sau khi lấy được nguyên liệu thì quá trình chế biến cũng “toát mồ hôi”. Rêu phải được rửa qua nước sạch rồi đem bỏ vào cối giã để cát, đất bám ở rễ và thân rêu ra hết, sau đó đem ra rửa lại. Quá trình này lặp đi lặp lại khoảng 6-7 lần để đảm bảo rằng không còn chút cát bụi nào bám trên rêu. Đặc biệt, dù rêu bị đem rửa và giã nhiều lần nhưng không bị nát quá
Như vậy, quá trình chuẩn bị nguyên liệu chính của món Mọc rêu đã hoàn thành. Tiếp đến, công đoạn chuẩn bị đồ làm Mọc cũng công phu không kém. Người ta sẽ lấy một ít nếp ngâm trong vòng khoảng 2-3 tiếng đồng hồ sau đó đem giã sơ. Thịt nạc băm nhỏ. Một số nguyên liệu cần có khác là sả đập dập thái nhỏ, hạt mắc khẻn (một loại hạt gần giống với hạt tiêu nhưng thơm hơn) và ớt cay. Tất cả những “phụ kiện” này được đem trộn đều với phần rêu đã làm sạch cùng với các loại gia vị như bột canh, bột ngọt, nước mắm và dùng lá chuối tươi bọc lại.
Công đoạn cuối cùng của món ăn này đó chính là hấp. Thời gian hấp Mọc rêu cũng khá lâu, khoảng một tiếng đồng hồ để đảm bảo phần nếp được chín đều.
Món Mọc rêu rất hấp dẫn của người Thái.
Mọc rêu nên thưởng thức khi còn nóng. Chỉ cần mở lạt dây, hương thơm của lá chuối, của sả, của nếp… hòa quyện vào nhau và bốc lên khiến bạn ngây ngất. Lấy thìa xúc một góc món rêu và bỏ vào miệng, tôi cảm nhận được vị ngọt nhẹ của rêu và độ dẻo của nếp. Nhiều người vừa ăn vừa hít hà bởi có chút cay cay trong đó.
Cũng bởi món ăn làm mất nhiều thời gian và công phu như vậy nên bạn chỉ có thể được thưởng thức vào buổi chiều. Bạn có thể mua những cục rêu đã được làm sạch về tự chế biến (khoảng 5.000 đồng/cục) hoặc có thể mua sẵn Mọc rêu (khoảng 20.000/suất).
Một lần được thưởng thức món Mọc rêu, tôi phần nào đã cảm nhận được sự vất vả nhưng đầy sáng tạo của người dân miền núi trong quá trình chế biến món ăn nhằm tạo nên một văn hóa ẩm thực riêng, đậm bản sắc núi rừng. Nếu có dịp đặt chân tới huyện miền núi, phía tây Nghệ An, bạn nhớ thưởng thức món Mọc rêu nhé!
\
Theo ihay
0 nhận xét :
Đăng nhận xét