Đĩa sâu măng vàng ruộm, kèm mùi thơm hấp dẫn, vị ngậy, bùi sẽ khiến bạn quên hẳn cái vẻ bề ngoài ghê ghê của nguyên liệu.
Tình cờ trong chuyến công tác tại huyện Mường Lát, chúng tôi được thưởng thức món sâu măng xào. Nếu lần đầu thưởng thức, chắc cũng như tôi và nhiều người khác, bạn sẽ phải đủ dũng cảm vượt qua sự ái ngại xen lẫn chút ghê ghê khi nhìn thấy món ăn này.
Sâu măng là loài sâu sống trên cây măng, phổ biến là măng nứa ở Mường Lát. Tháng 9, tháng 10 (dương lịch) là mùa săn sâu măng của đồng bào vùng cao. Khi cây măng đã cao quá đầu người cũng là lúc những con sâu vào độ béo nhất.
Bắt sâu không khó, nhưng để bắt được nhiều thì khá tốn công. Người săn sâu măng chỉ cần mang theo dao và giỏ đựng. Đứng trước các bụi nứa, hễ cây măng nào có biểu hiện héo ngọn, thân cong queo, mắt cây có u thì đích thị bên trong cây nứa đã có sâu măng.
Người bắt sâu hạ gục cây măng xuống rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ. Nếu may mắn, một ngày, một người có thể bắt được từ 1 – 1,5 kg sâu măng.
Sâu măng to bằng đầu đũa, dài cỡ 2 đốt ngón tay. Có nhiều cách chế biến nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là xào lá chanh.
Sâu măng rửa sạch, ướp gia vị. Phi thơm hành, trút sâu măng vào chảo, rồi đảo nhanh tay. Khi sâu măng chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ đảo đều. Thế là hoàn tất món sâu măng xào lá chanh.
Món sâu măng xào lá chanh |
Người dân Mường Lát vẫn truyền tai nhau thứ rượu “ông uống bà khen” được ngâm từ sâu măng. Theo đó, sâu măng sau khi được thu lượm về sẽ được phơi sương một đêm, rồi tiếp tục phơi nắng một ngày.
Trải qua giai đoạn này, con sâu nào vẫn còn sống, vẫn có thể ngóc đầu dậy mà bò lổm ngổm thì được tuyển chọn. Số sâu măng này được đem rang trên chảo (không cho dầu ăn, mỡ) cho thân sâu măng săn lại sau đó trút vào bình ngâm rượu. 30 ngày sau là có thể dùng. Nhiều người khen ngợi nó là “Viagra thiên nhiên”.
Ở Mường Lát các món ăn chế biến từ sâu măng là đặc sản. Khách quý đến nhà vào mùa sâu măng được chủ nhà ưu ái mời thưởng thức món ăn này.
dacsanvungmien
0 nhận xét :
Đăng nhận xét