Lên Yên Bái ghé thăm đồng bào dân tộc Thái, bạn nhờ đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo này nhé. Rêu đá, tiếng dân tộc Thái gọi là “cay”. “Cay” có ba loại, song chỉ ăn được hai loại, một là “cay him pho” – rêu mọc ở suối, ngòi, bám vào đá, hai là “cay tau” – rêu mọc từng đám lập lờ trên mặt hồ.
Có thể nói đây là loại rau sạch đặc biệt của người vùng cao. Muốn ăn rêu sạch, non thì phải chọn nơi có nguồn nước chảy xiết,có nhiều tảng đá to để Rêu có thể bám vào để phát triển. Rêu được "bắt " thành từng dây dài, tùy vào vùng nước sau hay nông mà rêu có màu xanh lục hay xanh non.
Rêu khi vớt lên được đặt vào rổ, giặt qua nước suối nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, có mặt phẳng rồi dùng một khúc gỗ to để đập. Làm món này cũng đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn vì phải giặt và đập tới vài lần mới sạch. Rêu đá khi đã qua sơ chế sẽ có màu xanh đậm, sờ vào mềm và mát.
Sau khi được rửa sạch và vắt hết nước, rêu được đem tẩm với các gia vị như sả, gừng, hạt sẻn, bột ớt, hạt dổi, quả muối,…rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng, bên trên phủ một lớp than hồng. Khi vùi than phải chú ý giữ cho rêu chín đều mà không bị cháy, có như vậy món rêu mới thật ngon.
Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Bên bếp lửa bập bùng, cả nhà quây quần vừa nấu cơm vừa vùi rêu vào than hồng, lớp lá gói bốc lên một hương thơm ngào ngạt. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới bóc từng lớp lá ra. Mùi thơm của gia vị và mùi nồng nồng của Rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng, từa tựa như tảo biển, mềm, ngậy mà không ngấy.
Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu đá vùi than thường xuyên giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
dacsanvungmien
0 nhận xét :
Đăng nhận xét