Lên Tây Bắc, ngồi nhà sàn, bên bếp lửa bập bùng, bạn được thưởng thức bữa cơm gạo nương, món măng chua nấu với thịt gà thì thật là tuyệt vời. Món này chính là hương sắc văn hóa ăn uống của núi rừng, thác lũ với mây mù che phủ quanh năm.
Măng chua được ủ từ măng tươi, nếu là măng giang, đọt nhỏ bằng ngón tay, có thể để nguyên cả cái, còn măng mai, măng tre thường băm nhỏ hoặc thái lát mỏng. Măng băm hoặc thái xong ngâm nước sạch trong 24 giờ để khử hết mùi he, chất đắng, sau đó vớt ra rửa sạch rồi ngâm tiếp trong nước có pha chút muối để cho lên men khoảng 2-3 ngày. Thông thường, măng ủ chua bằng nước suối sẽ ngon hơn nước giếng hoặc nước sông. Khi măng đã dậy mùi thơm, vớt ra, rửa lại nước muối sạch rồi để ráo. Cứ một cân măng chua với hai cân thịt gà chặt miếng vuông rồi ướp bột canh và cari bò trong 45 phút cho ngấm gia vị. Tiếp đó, bắc chảo lên bếp phi thơm hành mỡ, đảo chín thịt và măng rồi trút sang nồi nấu canh, đổ nước sôi ngập, đậy vung đun lửa nhỏ cho thịt chín mềm.
Bên cạnh nồi canh măng, người ta còn chuẩn bị thịt bê thui thái mỏng, ngang thớ, ướp gừng sả, cá quả lọc xương thái mỏng nhưng rộng bản ướp bột năng rồi chiên vàng. Lươn lọc bỏ đầu, xương thái miếng vuông ướp gia vị, nước nghệ, riềng, sả giã nhỏ rồi nướng chín vàng, tim gan, cật lợn thái vừa phải chần nước sôi, ướp gia vị, gầu, sách, nạm bò tẩy gừng rượu thái mỏng rồi ướp gia vị, gừng tỏi và nhúng tái. Ngoài ra, còn có rau cần ta, cải cúc, cà rốt, cải thảo, cải ngọt, rau húng, hành củ.
Măng chua thịt gà khi đã chín nhừ được chuyển sang nồi lẩu và thực khách bắt đầu thưởng thức món lẩu thập cẩm với nước cốt chính là là canh măng chua thịt gà. Các món nhúng cùng với mùi thơm của rau húng, rau cần sẽ tạo nên hương vị rất đặc biệt và làm thực khách nhớ mãi mỗi lần đến Tây Bắc.
Theo Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống
0 nhận xét :
Đăng nhận xét