Ở đồng bằng sông Cửu Long, một trong những loài cá chuyên sống ở tầng đáy là cá trạch. Nơi chúng tụ cư với mật độ dày đặc là hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp, nhất là những nơi nước tĩnh.
Mùa nước nổi cá trạch sống trên đồng ruộng nước giựt cạn thì rút xuống các lung, bàu, ao, vũng hoặc theo kinh rạch ra sông.
Cá trạch có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa nước nổi. Người ta đánh bắt cá trạch bằng chài, vó cất, cào (bàn cào nhỏ có hàng trăm mũi nhọn, bắt được cá chui sâu dưới bùn), lọp tép, hoặc câu.
Vì là cá đồng, thuộc loại trạch ngư (cá ở ao hồ) nên tuy không là sơn hào hải vị, nhưng với người thôn dân Nam Bộ, con cá trạch cho dù được chế biến dưới hình thức nào cũng rất chất lượng, bởi đây là loại cá có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Người Nhật xem cá trạch là thực phẩm dinh dưỡng cao cấp, còn người Trung Quốc thì gọi cá trạch là “nhân sâm dưới nước”. Với người Nam Bộ, cá trạch nhỏ cỡ tay út thì chiên lăn bột, cá lớn bằng ngón tay thì không cần phải đánh vảy mà để nguyên con chiên vàng, hoặc cắt làm hai, làm ba, ướp gia vị, kho tiêu trong nồi đất, lửa riu riu mới thấm, mềm. Nhưng đúng điệu là phải kho nghệ.
Cá trạch kho nghệ vàng ngấu, nhìn sướng mắt bao nhiêu thì ăn phải sướng miệng bấy nhiêu! Độc chiêu “phải nói” là món khô cá chạch, nướng tươm mỡ, xé khô ăn bốc với cơm nguội, ắt phải vét nồi! Còn nhậu thì bất kể đế hay bia, hễ có khô cá chạch trong mâm (chấm nước mắm me) thì cho dù bò bảy món cũng phải ế, khô mực loại I cũng bị chê!
Đó là những món ngon khoái khẩu. Nhưng phải đâu chỉ có thế! Cá trạch còn là “món ăn bài thuốc” cho hết thảy nam phụ lão ấu. Thật vậy, loài cá này là phương thuốc thần hiệu trong việc trị tê thấp; bổ hư tổn.
Đối với người cao tuổi, cá chạch còn giải quyết được bệnh cao huyết áp; thiếu máu; phù nề; viêm gan cấp tính, mãn tính, khôi phục công năng gan tốt hơn các loại thuốc bảo vệ gan; chữa được bệnh đái đường; tiểu tiện không thông.
Cổ thư cho biết cá trạch rất có biệt tài trong việc thêm tinh, ích tuỷ, tráng gân cốt, nhất là các qúy ông bị trục trặc sinh lý sẽ được phục hồi mạnh mẽ. Cá trạch còn là vị cứu tinh của những người thận hư, liệt dương, gọi “dương sự bất khởi” tức không cương được dương vật. Đặc biệt, nó còn trị được cả chứng “dương vật bị teo” mới là cả một sự tài!
Để trị được các chứng trên một cách hiệu quả, ngoài “chính vị” là cá trạch tất nhiên phải có thêm một ích “phụ vị”, rất thông thường, như tàu hủ, bột gạo hoặc hoàng kỳ, đại táo, đảng sâm… Sử dụng, chủ yếu là ăn – ngon miệng.
Món cá trạch nướng ốp bẹ chuối, chấm nước mắm me, giằm ớt, ăn với rau sống, dưa leo, thơm ngon “trên cả tuyệt vời”. Cao lương mỹ vị nào cũng khó sánh kịp. Đã ăn thì mãi nhớ.
Nhưng đừng quên đây là món nhắm cao cấp, đại bổ, cho nên tuy “nhân sâm dưới nước” có biệt tài giúp tỉnh rượu, nhưng muốn được “bà khen”, xin được phép nhắc nhở các ông anh: “Một lít ít hơn một xị!”
ST
0 nhận xét :
Đăng nhận xét