Từ bún ốc, bún thang... đặc sản chốn Hà thành tới bún mắm của miền Tây, bún bò Huế - nét ẩm thực đặc sắc miền Trung đều ẩn chứa sức hấp dẫn kỳ lạ...
1. Bún Bò Huế: Là một trong những đặc sản của xứ Huế nhưng ngày này, món bún này đã hiện diện ở cả 3 miền đất nước và được thực khách đặc biệt yêu thích. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của món ăn này.
|
Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả bò được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ.
|
2. Bún Thang: Đây là món ăn nổi tiếng ở Hà Nội. Quan trọng nhất của món thang là nước dùng, trong đó vị gà và vị tôm khô rất quan trọng. Để nấu một nồi nước dùng của bún thang cho đúng cách cầu kỳ của nó, người ta thường nấu hai lần gà. Con gà đầu chín vừa đủ để lấy thịt xé tơi ra bầy vào bát. Xương của nó được cho vào nồi ninh tiếp với con gà thứ hai cho đến khi nhừ để làm nước dùng.
|
Người xưa dùng độc nhất rau răm thái nhỏ ăn với bún thang. Nước dùng được cho vào ngang mặt các thức bày, không lõng bõng. Nếu lượng tôm khô, sá sùng trong nước dùng quá ít, không dậy đủ hương vị, người ta sẽ thay mùi, vị bằng mắm tôm. Một giọt tinh chất cà cuống được nhỏ vào bát, và cũng có nhiều nhà dùng thêm ít miếng dưa món củ cải với bún thang. Không bao giờ cho chanh, tiêu, ớt vào món ăn thanh cảnh này.
|
3. Bún bò Nam Bộ: Món bún này đặc biệt ở chỗ không dùng với nước súp vì thế mà từng nguyên liệu dùng vẫn giữ được mùi vị riêng. Tô bún bò với bún tươi, những lát thịt bò mềm xắt mỏng đem xào chín, trộn lẫn với lạc rang giòn và giá đỗ, thêm rau thơm, dưa leo, hẹ tây khô, sau đó rưới nước mắm pha chanh, đường, tỏi, ớt vị đậm đà, cay cay.
|
Bún bò Nam Bộ rất dễ ăn trong ngày hè nóng mà làm cực nhanh, bạn chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu kỹ một chút thôi.
|
4. Bún bò giò heo: Chỉ cần ngửi thấy mùi thơm của sả, vị ngậy của thịt toát ra từ nồi nước dùng là bạn đã không thể từ chối món bún quyến rũ này rồi…
|
Chủ một cửa hàng bún nổi tiếng ở Hà Nội cho biết: Bún bò giò heo ngon phải đúng theo phong vị Huế có nét ẩm thực Hà Nội. Sợi bún to, chần qua nước sôi cùng với thịt bò, thịt lợn chân giò luộc thái mỏng, cùng một chút giá, rau thơm, chan nước dùng ninh xương chân giò ăn kèm với hoa chuối bào. Đặc biệt là ớt khổi chưng. Một bát bún bò đạt tiêu chuẩn phải thơm mùi rau, ngọt nước xương, đỏ màu ớt. Chỉ , du khách đã có một tô bún bò Huế hấp dẫn.
|
5. Bún đậu mắm tôm: Một chiếc bếp than phần phật lửa reo. Một chảo dầu rán nổ lách tách. Những miếng đậu phụ phồng lên mỡ màng. Vài lát bún óng mượt. Bát mắm tôm dậy mùi đặc trưng ... Đó là chính là bún đậu mắm tôm đất Hà Thành, một món ăn rất được ưa chuộng trong khẩu vị người Hà Nội.
|
Chọn cho mình một chỗ ngồi, việc đầu tiên là bạn hãy cảm nhận không khí tại đây. Ngắm nhìn chị chủ hàng mặt đỏ hồng vì lửa bếp, lúc thoắt đảo những bìa đậu đang reo trong chảo, thoắt lại lách cách cắt bún với những động tác thuần thục. Chỉ một thoáng thôi, món ăn mà bạn đang khao khát thưởng thức sẽ được bày ra: chiếc bát nhỏ mắm tôm được đánh bông, đĩa bún trắng được cắt thành từng miếng nhỏ, đĩa ớt tươi đỏ thắm, đĩa rau sống xanh mát ... Tất cả khiến bạn thấy đói cồn cào mặc dù mới dùng bữa.
|
Quan trọng nhất của món bún đậu này vẫn là bát mắm tôm. Mắm tôm phải là mắm tôm chắt Thanh Hóa, ánh sắc xanh. Khi vắt chanh và đánh tan, nổi lên vạt bông ánh tím mới là đạt yêu cầu. “Pha mắm muốn ngon phải có ít rượu nếp cái hoa vàng” – một chủ quán "bật mí".
|
6. Bún chả: Trong tác phẩm Hà Nội ba mươi sáu phố phường có nói đến một người ăn bún chả mà cứ bâng khuâng, náo nức, ngỡ rằng mình đang ở vào cái giây phút hạnh phúc: được nếm một món ăn cổ truyền, ngon mà không món nào sánh được với nó. Người khách vừa ăn, vừa cảm xúc, bật nên lời:
Nghìn năm văn vật đất Thăng Long Bún chả là đây có phải không? Hai câu thơ nôm na đánh giá một món ăn “phi phàm”. |
Món bún chả từ lâu đã được người Hà Nội ưa thích. Nó là món ăn vừa túi tiền của cả người giàu lẫn người nghèo. Một mẹt bún chả có chừng 200g bún, vài gắp chả, ít rau sống và nước chấm đủ để thòm thèm.
|
7. Bún cá lóc: Xa quê ăn tô bún cá lóc mà chạnh cả lòng, bún cá lóc thật sự ngon và có ý nghĩa với những ai có tình yêu với với vùng quê biên giới, nơi có những dòng sông an bình đúng với tên gọi của nó: An Giang.
|
Tô bún cá này thật đậm đà mùi ngãi núi, sả thơm và màu vàng óng của nghệ , còn vị bún không béo và rất nhẹ nhàng.
|
8. Bún riêu cua: Đây cũng là một món ăn đặc sản của người Hà Nội. Món ăn này gồm "bún" (bún rối hoặc bún lá) và "riêu cua". Muốn ăn bún riêu cua “xịn”, bạn có thể qua Thường Tín để thưởng thức.
|
Khác với phở có vị béo ngậy và ngọt; khác với cháo có vị thanh thanh, man mát; bún riêu có vị ngọt đậm, nước dùng hơi dôn dốt chua, phảng phất mùi cua đồng.
|
Ngày xưa, ở miền quê thì người ta thường làm riêu bằng cua đồng, thật tươi. Cua mua về phải ngâm, dùng đũa khoắng để xả nước bẩn, lột mai để riêng, bỏ vỏ yếm và miệng cua. Những bà bán bún riêu cua thường nói, gạch ở mai cua mới là vị chính tạo nên mùi vị rất riêng của bún riêu cua. Gạch cua khều ra phải phi hành mỡ cho thật thơm, vàng đều, đảo gạch cua nhanh tay sao cho không nát, tạo màu vàng sẫm mới đạt yêu cầu.
|
9. Bún ốc: Với những bạn thích ăn ốc thì bún ốc là một trong những món không thể thiếu. Đây là món ăn đặc sắc của người dân Hà Thành. Sau cả tuần bội thực đồ ăn, một tô bún ốc làm cho ta cảm thấy nhẹ nhàng, ngon miệng.
|
Các quán bún ốc đặc biệt đông khách những đợt sau Tết. Những ngày đầu xuân, tiết trời ấm áp hơn, bên cạnh những tô bún nóng hôi hổi, nhiều người lại thích cái vị thanh tao mát mẻ của những bát bún ốc nguội. Món ăn này cũng làm nên một phần văn hóa ẩm thực của chốn Kinh kỳ.
|
10. Bún mắm: Nam Bộ có nhiều món ăn độc đáo, nhưng phổ biến vẫn là món bún. Bún được chế biến nhiều món ăn đa dạng về hình thức, phong phú về chất lượng như: bún thịt xào, bún nem bì, bún cà ri, bún riêu cua, bún nước lèo, bún mắm... được mọi người ưa thích, từ giới bình dân cho đến kẻ giàu sang phú quý, nhưng hấp dẫn chắc vẫn là món bún mắm.
|
Ở Trà Ôn, người bán bún mắm không nhiều như miệt Trà Vinh, Sóc Trăng, bù lại có tiếng là ngon. Ngon từ sợi bún nhỏ nhắn, tròn trịa, dài mềm mại đến nước lèo, chất mắm. Cách nấu bún mắm ở đây được thêm thắt đôi chút cho hợp khẩu vị của người ăn. Từ đó bún mắm tự dưng được mọi người xem như món ăn "đặc trưng" nơi đây và cả đồng bằng Tây Nam Bộ.
|
Ăn bún mắm, các bạn cảm thấy chất ngọt lạ lùng của cá lóc đồng ruộng, chất cay nồng của ớt sống thơm quện hương xả, chất mặn mòi của mắm sặc đồng quê, sẽ làm tô bún lạ miệng hấp dẫn vô cùng. |
ST
0 nhận xét :
Đăng nhận xét