Không giống những loại gạo khác, gạo dâu cho hạt cơm tròn, mẩy, dẻo, ngọt như cơm nếp. Vị đậm đà của loại gạo dâu không lẫn với bất kỳ loại gạo nào khiến người thưởng thức ăn một lần nhớ mãi.
Theo anh Trương Thanh Nam – Phó phòng Kinh tế thị xã thì hiện nay trên địa bàn có khoảng 30 – 40ha diện tích đất trồng giống lúa dâu. Tháng 5, nông dân bắt đầu gieo thì cuối tháng 9 thu hoạch. Giống lúa này có nhược điểm là năng suất khá thấp, khoảng 4 tấn/ha (các giống lúa lai hiện nay năng suất 6 tấn/ha). Song, với giá thành khá cao 22.000 - 25.000 đồng/kg gạo, 15.000 đồng/kg thóc và lượng người tiêu thụ lớn nên người sản xuất vẫn có lãi so với các giống lúa khác. Không chỉ nức tiếng trong tỉnh, gạo dâu được nhiều thực khách Hà Nội và các tỉnh bạn biết đến khi được người quen mua làm quà biếu.
Chúng tôi gặp bà Lù Thị Chỉn ở bản Tả Sin Chải 1, xã San Thàng khi bà đang bảo quản thóc dâu. Bà vui mừng kể: “Tôi dành 3.000m2 trong 5.000m2 ruộng cấy giống lúa dâu. Năm nào cũng vậy, cứ cuối vụ là các tư thương ở thị xã đã đến nhà đặt mua thóc. Vụ vừa rồi, mới phơi được vài nắng họ đã đến đặt mua”.
Cũng theo lời của những người trồng lúa dâu lâu năm thì giống lúa này ít phải chăm bón phân, song thu hoạch phải đúng thời vụ vì nếu sớm hoặc muộn quá đều ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Trước kia, bà con trồng các giống lúa mới cho năng suất cao nên ít chú ý đến giống gạo địa phương. Đến nay, giống thóc dâu đã nức tiếng gần xa, người dân đã chú ý trồng loại giống lúa “đặc sản” chỉ có ở địa phương mình.
Vừa nhanh tay đóng thóc cho khách, anh Phạm Văn Quê - chủ một cửa hàng chuyên bán thóc, gạo dâu ở bản Phan Lìn, xã San Thàng tâm sự: “Trong các loại gạo tôi bán, gạo dâu giá cao nhất và được ưa chuộng nhất. Hiện nay, đã có nhiều người ở tỉnh thành khác biết tiếng gạo dâu và liên hệ đặt mua thường xuyên. Đặc điểm của gạo dâu là khi mới sát xong thường rất ngon, nhưng để lâu lại bị mất mùi nên tôi thường nhập thóc tích trữ. Chỉ sát đủ lượng để bán trong thời gian ngắn”.
Nói về giống lúa dâu “chuẩn” nhất vùng, cả người trồng và người mua đều khẳng định: bản San Thàng 1, 2, Chin Chu Chải, Lùng Than có gạo dâu ngon nhất. Ở những vùng này, có lẽ chất đất, khí trời, gió núi đã góp phần làm nên vị ngon ngọt của hạt gạo, làm hài lòng cả những người kén ăn nhất.
Cùng với gạo séng cù, khẩu ký ở vựa lúa huyện Than Uyên, Tân Uyên, gạo dâu trên thị xã đang dần khẳng định được vị trí của mình trong tốp những loại gạo ngon, đặc sản của địa phương, cần được nhân rộng.
dacsantaybac
0 nhận xét :
Đăng nhận xét